Singapore là một trong những quốc gia chịu tác động lớn nhất tại châu Á do Covid-19, cả về y tế và kinh tế. Đến nay, nước này đã ghi nhận 200 ca nhiễm, nhưng chưa trường hợp nào tử vong.
Nền kinh tế này vốn đã lao đao vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, khiến GDP năm ngoái tăng thấp nhất 10 năm, nay lại chịu thêm đòn giáng từ Covid-19. Thiệt hại kinh tế của Covid-19 với Singapore được ước tính lớn hơn rất nhiều so với SARS năm 2003, do nước này hiện cởi mở hơn với Trung Quốc – nơi khởi phát đại dịch. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là nguồn khách quốc tế lớn nhất của Singapore.
Đầu tuần này, chính phủ Singapore cho biết đã sẵn sàng tung gói cứu trợ thứ hai giúp doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh . Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat cho biết giới chức nước này đang tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh lên các ngành nghề và tìm cách hỗ trợ tốt hơn cho quá trình chuyển đổi của các ngành công nghiệp và người lao động.
Hai du khách đeo khẩu trang ở Marina Bay (Singapore). Ảnh: AFP |
Một nhóm hành động sẽ được thành lập để giúp các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội trong khủng hoảng. Ông Heng sẽ lãnh đạo nhóm này, cùng các bộ trưởng và lãnh đạo doanh nghiệp khác.
"Khi nền kinh tế chậm lại, chúng ta cần khuyến khích doanh nghiệp gây dựng sức mạnh và củng cố thêm hoạt động chuyển đổi kinh tế của họ", ông nói. Dù vậy, các biện pháp chi tiết chưa được công bố.
Trước đó, trong kế hoạch ngân sách ngày 18/2, chính phủ Singapore đã tung ra gói giải cứu đầu tiên trị giá 4 tỷ đôla Singapore (SGD) cho doanh nghiệp. Mục đích là hỗ trợ việc làm và dòng tiền, nhằm giúp các công ty giữ chân người lao động, và đào tạo lại họ trong thời kỳ kinh tế xuống dốc.
Theo đó, Chương trình Hỗ trợ Việc làm sẽ chi trả 8% thu nhập của mỗi lao động Singapore trong 3 tháng. Mỗi tháng, mức này không vượt quá 3.600 SGD và khoản trả sẽ được thanh toán cho các công ty vào cuối tháng 7.
Một chương trình khác đang hỗ trợ tăng lương cho lao động Singapore thu nhập dưới 4.000 SGD mỗi tháng cũng sẽ thay đổi. Mức trần 4.000 sẽ được nâng lên 5.000 SGD để "nhiều người dân Singapore nhận được lợi ích hơn", ông Heng cho biết.
Các công ty cũng sẽ được hỗ trợ về dòng tiền trong năm nay, khi được hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp hiện ở mức 25%. Số thuế được hoàn tối đa là 15.000 SGD cho mỗi công ty. Heng cũng cam kết áp dụng thêm nhiều ưu đãi thuế và hỗ trợ tiếp cận vốn lưu động trong vòng một năm, nhằm tăng lượng tiền mặt cho các công ty. Những doanh nghiệp thuê đất của chính phủ cũng có thể đề xuất được nới lỏng các điều khoản thanh toán.
Ngoài ra, chính phủ Singapore cũng dành riêng 8,3 tỷ USD để chi tiêu trong 3 năm, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi kinh tế. Các ngành như du lịch, hàng không, bán lẻ, dịch vụ ăn uống và giao thông còn được hỗ trợ riêng.
Với ngành du lịch, năm nay, các khách sạn, căn hộ dịch vụ và địa điểm tổ chức sự kiện sẽ được hoàn thuế bất động sản lên tới 30%. Những khách sạn có người nhiễm bệnh còn được hỗ trợ chi phí lau dọn, khử trùng. Các bến phà, du thuyền được hoàn thuế 15%. Một chương trình vay vốn bắc cầu tạm thời cũng sẽ được áp dụng trong một năm để các doanh nghiệp ngành này có thêm vốn. Khoản này giới hạn tại 1 triệu SGD mỗi công ty, lãi suất trần là 5%.
Với ngành hàng không, các doanh nghiệp sẽ được hoàn phí đỗ máy bay, phí thuê cửa hàng và dịch vụ vận chuyển tại sân bay Changi. Sân bay này cũng được hoàn thuế bất động sản.
Với ngành giao thông – vận tải, trước đó các công ty đã nhận được gói hỗ trợ 77 triệu USD từ Bộ Giao thông nước này. Dù vậy, khoảng 40.000 lái xe cũng sẽ được hỗ trợ 20 SGD mỗi ngày trong dịch công chứng 3 tháng.
Doanh nghiệp ngành bán lẻ và dịch vụ ăn uống thì được hỗ trợ một phần chi phí thuê mặt bằng và hoàn thuế bất động sản.
Ngoài các hỗ trợ tài chính, chính phủ Singapore còn đưa ra hướng dẫn chi tiết cho các công ty để hoạt động an toàn trong thời kỳ dịch bệnh. Tháng 1/2020, Enterprise Singapore – cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp thuộc chính phủ Singapore và Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore đã công bố "Hướng dẫn Kế hoạch Kinh doanh trong giai đoạn dịch bệnh".
Theo đó, các doanh nghiệp được hướng dẫn cách quản lý rủi ro về nhân sự, quy trình kinh doanh, nhà cung cấp – khách hàng và truyền thông. Tài liệu này thậm chí giải thích ý nghĩa các mức độ cảnh báo của chính phủ, chỉ ra cách rửa tay, đeo khẩu trang đúng và ví dụ cả mẫu tờ khai y tế cho khách vào công ty.
Enterprise Singapore cho biết tài liệu này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm rủi ro lây nhiễm với nhân viên, giảm rủi ro biến công ty thành nơi lây bệnh, chuẩn bị trước kế hoạch khi nhân viên vắng mặt, bị cách ly hoặc lây nhiễm và hướng dẫn doanh nghiệp tìm nhà cung cấp - khách hàng thay thế khi chuỗi này bị gián đoạn.
"Chúng tôi đã xây dựng nền tảng tài chính, nhân lực và xã hội để tiếp tục trong dài hạn", Heng kết luận, "Tôi tự tin rằng Singapore sẽ tiếp tục thịnh vượng".
Hà Thu (theo Straits Times, EnterpriseSG)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét