Chùa Quán Sứ
Sáng 3/2 (mùng 10 Tết), những ngôi chùa nổi tiếng đông khách dịp đầu năm ở Hà Nội đều vắng người. Nhiều thời điểm trong ngày, sân chùa Quán Sứ, dịch thuật trụ sở trung tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam không bóng người, đối lập với cảnh đông đúc thường thấy trong các dịp lễ, Tết hàng năm.
Ngoài cửa chùa treo bản thông báo phòng chống virus corona của trạm y tế phường Trần Hưng Đạo bằng ba thứ tiếng Việt, Trung, Anh. Bên trong chùa lác đác người đến làm lễ, chủ yếu là người dân đang sống và làm việc tại Hà Nội.
Bà Đoàn Thị Hồng Hà (ảnh), người túc trực tại chùa cho biết, cả sáng mới có 2 - 3 khách đến ghi công đức. "Khách đến và đi rất nhanh. Cuối tuần khách đông hơn nhưng ít hơn hẳn mọi năm", bà Hà nói.
Chùa Trấn Quốc
Đây là nơi đông khách nhất ngày 3/2, các đoàn khách du lịch nước ngoài nhiều hơn người Việt. Hầu hết khách đeo khẩu trang, ngay cả khi hành lễ.
Sân chùa Trấn Quốc sáng mùng 10 Tết. Vắng khách, bà Trần Thị Loan (Tây Hồ), người ghi công đức tại chùa gỡ lớp khẩu trang ngồi đọc kinh trong giờ trực ở đây. Bà Loan kể: "Hàng năm phải qua rằm mới vãn khách. Lượng người đến chùa năm nay giảm đến 8 phần".
Hướng dẫn viên của đoàn 20 khách Đài Loan cho biết, đoàn khách đi đến đâu cũng đeo khẩu trang và dùng dung dịch rửa tay liên tục. Đã đặt tour từ lâu, nhóm khách ban đầu có lo lắng nhưng đã được trấn an khi biết tình hình ở Việt Nam. "Chùa Trấn Quốc là cảnh điểm phải đến nên không thể cắt lịch trình, đồng thời nhóm du khách cũng mong muốn đến đây cầu may đầu năm", hướng dẫn viên này nói.
Phủ Tây Hồ
Tương tự các chùa lớn ở Hà Nội, phủ Tây Hồ là điểm đến nổi tiếng đông khách dịp đầu năm. Tuy nhiên, năm nay dòng người đến lễ phủ đầu năm Âm lịch có sự chênh lệch lớn với 2019 (trái).
Bên trong phủ Tây Hồ năm 2019 (trái) và 2020 cùng thời điểm đầu năm Âm lịch.
Anh Nguyễn Tuấn Anh đến lễ tại Phủ chia sẻ: "Trước Tết định đi lễ nhiều nơi nhưng tình hình dịch bệnh khiến tôi giảm bớt kế hoạch. Tôi đến lễ rồi đi luôn thay vì ở lại vãn cảnh chùa như mọi năm. Đi lễ chùa cầu bình an là thói quen của tôi vào năm mới, giúp tôi thấy yên tâm trong lòng".
Đền Quán Thánh
Ngôi đền gần 1.000 tuổi, một trong "tứ trấn" của kinh thành Thăng Long xưa cũng vắng bóng du khách những ngày đầu năm. Những người làm việc trong ban quản lý di tích đánh giá, lượng người đến đền chỉ đạt khoảng 30% so với hàng năm, phần nhiều do dịch bệnh đang diễn ra và thời tiết mưa lạnh.
Người dân làm lễ trước tượng Quan Trấn Vũ. Bức tượng đồng đen đúc năm 1677 cao gần 4 m, nặng 4 tấn được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2016.
Chùa Phúc Khánh
Tương tự chùa Trấn Quốc, Quán Sứ, ngôi chùa nằm trên phố Tây Sơn cũng không đông người đến cúng lễ. Khách chủ yếu là người địa phương và người làm việc tại các cơ sở gần chùa.
Ban thờ Quan Âm bên trong khuôn viên chùa Phúc Khánh. Ngôi chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê, được tin là linh thiêng bậc nhất Hà Nội. Nơi này thường xuyên đông đúc trong những ngày rằm, mùng 1, nhất là rằm tháng Giêng, tháng 7.
Kiều Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét